Chi tiết tin - Xã Hướng Linh - Hướng Hóa

Công bố phát hành lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh giai đoạn 1930-2020

14:59, Thứ Năm, 18-8-2022

Ngày 24/6/2022, Đảng bộ xã Hướng Linh tổ chức Lễ công bố phát hành Lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh, giai đoạn 1930-2020. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Khắc ghi lời dạy của Người, trong những năm qua Đảng ủy xã Hướng Linh luôn chú trọng thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử; phát huy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần cách mạng và củng cố niềm tin vào Đảng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng. Viết sử là tái hiện lại lịch sử bằng ngôn ngữ viết, tổng kết lại lịch sử để rút ra bài học ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp các thế hệ sau viết nên những trang sử mới tốt đẹp hơn. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa đó, cuốn cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh, giai đoạn 1930 - 2020” được biên soạn và phát hành.

 

Đ/c Hồ Văn Vinh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ công bố

Nhằm phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn chăm lo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng để làm sáng tỏ các chặng đường lịch sử, tổng kết thực tiễn và rút ra những bài học kinh nghiệm trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới. 

Xã Hướng Linh vốn có truyền thống cách mạng; trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ và Nhân dân xã luôn giữ vững truyền thống kiên cường, đoàn kết đấu tranh, xây dựng và trưởng thành. Hiện nay, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Hướng Linh đã tiếp nối truyền thống của cha anh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Hồ Văn Vinh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện tặng hoa cho lãnh đạo Đảng ủy xã nhân dịp

ra mắt lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh

Trên cơ sở nhận thức việc nghiên cứu, tổng kết lịch sử Đảng là làm cho mọi cán bộ, đảng viên và toàn dân hiểu về Đảng, là giáo dục về Đảng, tổng kết thực tiễn lịch sử làm rõ lý luận về con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, rút ra bài học và lý luận về xây dựng Đảng; góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng hiện nay. Nhằm đảm bảo đúng các quy trình trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hướng Linh đã họp thống nhất ra chủ trương quyết tâm biên soạn lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930 - 2020.

Để tổ chức thực hiện chủ trương đó một cách thuận lợi, đảm bảo theo yêu cầu, Đảng ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban Biên soạn, đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận. Đảng ủy lãnh đạo toàn diện về chủ trương và chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung. Ban Chỉ đạo là bộ phận tham mưu thẩm định nội dung, sự kiện lịch sử trước khi trình Đảng ủy quyết định; Ban Biên soạn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo và có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn đảm bảo đúng quy trình, kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Đảng ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân, các ban ngành, đoàn thể liên quan và các cấp ủy trực thuộc xã phối hợp với Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn nghiên cứu, cung cấp thông tin, tạo điều kiện khi các thành viên trong Ban biên soạn khai thác tư liệu, tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ theo kế hoạch. UBND đảm bảo kinh phí đã được cấp, hỗ trợ phục vụ cho việc sưu tầm, biên soạn lịch sử, tiến hành hợp đồng biên soạn theo quy định của pháp luật. Xã hội hóa nguồn kinh phí phục vụ cho việc xuất bản.

Quá trình sưu tầm, biên soạn diễn ra theo trình tự các bước sau:

Đầu tiên, Ban Biên soạn phân công các thành viên phụ trách từng nội dung, lĩnh vực và chịu trách nhiệm đi sưu tầm tư liệu. Khi tư liệu cơ bản, Ban Biên soạn tiến hành xây dựng đề cương sơ lược, đề cương chi tiết sau đó tổ chức biên soạn hoàn chỉnh trình Ban chỉ đạo, sau đó Ban chỉ đạo tham mưu cho Đảng ủy tổ chức Hội thảo để xin ý kiến và thống nhất nội dung bản thảo. Qua 2 lần hội thảo, nhận được các ý kiến tâm huyết và có giá trị lịch sử của các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, cuối cùng bản thảo cơ bản hoàn chỉnh. Trong quá trình biên soạn, Ban Biên soạn được sự giúp đỡ tận tình của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hoá, các cơ quan lưu trữ của Tỉnh ủy, Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện cùng các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã. Sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, Ban biên soạn trong quá trình sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và tham mưu tổ chức các buổi hội thảo để hoàn thành công tác biên soạn đảm bảo nội dung, kết cấu, quy cách của một cuốn lịch sử.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ Hướng Linh giai đoạn 1930 - 2020 kết cấu gồm các phần: Lời giới thiệu, phần nội dung (các chương mục, tiết), kết luận và phụ lục. Phần nội dung đã khắc họa được quá trình hình thành, phát triển và đấu tranh cách mạng, xây dựng, trưởng thành qua từng giai đoạn của Chi/Đảng bộ xã từ năm 1930 -2020. Kết luận đã đánh giá khái quát quá trình lãnh đạo của Chi/Đảng bộ xã trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tổng kết một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chi/Đảng bộ. Phần phụ lục tổng hợp danh sách Ban Chấp hành qua các thời kỳ; đăng ảnh các đồng chí Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch qua các thời kỳ; ảnh minh họa các hoạt động trên các lĩnh vực và tư liệu.

Về cơ bản, cuốn lịch sử Đảng bộ đã phản ánh được chặng đường hình thành, phát triển, quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hướng Linh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ mới… Cuốn sách đảm bảo tính đảng, tính khoa học, kết cấu tương đối chặt chẽ, lô gích, văn phong dễ đọc và dễ hiểu; là một tài liệu quý góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ở địa phương.

Để đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Kế hoạch, Ban Chấp hành Đảng ủy xã yêu cầu quá trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Ban Thường vụ Đảng ủy; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn trong việc tham mưu, nghiên cứu, biên soạn, tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện đúng quy định về việc tổ chức thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc triển khai các bước trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ khoa học, đúng tiến độ, tiết kiệm và đạt hiệu quả thiết thực đảm bảo cuốn sách có nội dung chính trị, tư tưởng và khoa học sâu sắc, có hình thức đẹp, trang trọng, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật.

Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chỉ đạo, UBND xã chủ động phối hợp với các cơ quan như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Huyện ủy; Nhà xuất bản Đại học Huế để xin ý kiến trong quá trình nghiên cứu, thẩm định, hợp đồng, in ấn và xin giấy phép rồi xuất bản cuốn sách. Sau khi được Ban Tuyên giáo Huyện ủy thẩm định, Ban Thường vụ Đảng ủy tiến hành các thủ tục, xin cấp phép và ký kết hợp đồng in ấn với Nhà xuất bản Đại học Huế. Đến ngày 30/4/2022, cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh hoàn thành việc in ấn và chính thức được phát hành. Cuốn Lịch sử gồm 4 chương, có 287 trang, kích thước 14,5 cm x 20,5cm.

Về mặt lịch sử; từ thời Hùng Vương, Hướng Linh thuộc Hướng Hóa là phần đất của bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Cuối thế kỷ II, nhân dân vùng Nhật Nam khởi nghĩa thắng lợi, đuổi quân đô hộ phương Bắc, lập nên vương quốc Chăm Pa cổ, đến thế kỷ IV, ranh giới phía Bắc kéo đến đèo Ngang (Quảng Bình), Hướng Linh thuộc đất hai châu Ô, Lý của vương quốc này. Năm 1306, Hướng Linh lúc bấy giờ thuộc Thuận Châu. Từ thời Trần đến thế kỷ XIII, Hướng Linh thuộc đạo Cam Lộ. Năm 1803, nhà Nguyễn đặt đạo Cam Lộ, đến năm 1823 thì đặt châu Hướng Hóa (trong đó có Hướng Linh) thuộc đạo Cam Lộ.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi Hướng Linh là một trong 30 đơn vị cấp hành chính cấp xã của huyện Hướng Hóa. Từ sau Đại hội Đảng bộ Huyện Hướng Hóa lần thứ II toàn huyện Hướng Hóa từ 30 xã sáp nhập thành 14 xã, Hướng Linh là 1 trong 9 xã ở Bắc Đường 9. Đến tháng 2/1953, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa lần thứ III, 14 xã của huyện Hướng Hóa chia tách thành 30 xã, xã Hướng Linh vẫn giữ nguyên tên gọi.

Tháng 7/1961, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Hội nghị huyện Đảng bộ  Hướng Hóa quyết định cắt 7 xã : Mều, A Xốc, A Túc, A Vao, Xà Muồi, A Bung, A Cha thành lập huyện Hy Lạp; các xã còn lại của Bắc Đường 9 và Nam Đường 9 thành lập huyện Mông Cổ. Lúc này, Hướng Linh là một phần của xã Tam Hiệp (Hướng Linh, Hướng Trung và xã Ruộng). Năm 1966, chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, xã Tam Hiệp phải sơ tán dân đến các địa phương khác. Năm 1971, Huyện ủy Hướng Hóa chỉ đạo thành lập lại xã Tam Hiệp, một phần của xã Hướng Linh thuộc xã Tam Hiệp, các thôn Miệt, Pa Kông thuộc xã Hướng Quảng.

Năm 1975 xã 9 thôn: Nguồn Rào, Ra Ly, Pin, Kợp, Pà Kô, Ra Lang, Xa Bai, Hoong, Hoong Kooc tách ra từ xã Tam Hiệp và xã Hướng Quảng thành lập lại xã Hướng Linh. Năm 1982, các thôn: Nguồn Rào, Ra Ly, Làng Hồ, Thôn Mới của xã Hướng Linh tách cho xã Hướng Sơn. Lúc này, Hướng Linh còn 7 thôn: Miệt - Mới, Kợp, Pa Koong, Ra Lang, Xa Bai, Hoong, Coóc.

Năm 2009, thực hiện chủ trương xây dựng công trình Thủy lợi - điện Rào Quán, 68 hộ dân ở lòng hồ di chuyển lên vùng Co Va thành lập thôn Miệt Cũ. Năm 2019, thực hiện chủ trương của Đảng về hợp nhất các thôn, bản, khu phố, xã Hướng Linh sau khi thực hiện sáp nhập có 5 thôn, gồm: Miệt - Pa Công, Xa Bai, Hoong Mới, Miệt Cũ và Cooc.

Trong quá trình hình thành và phát triển, người Vân Kiều nói chung và đồng bào Vân Kiều trên địa bàn xã Hướng Linh nói riêng là những người hiền hậu, chất phác, sống tình cảm, thủy chung; cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất. Thời phong kiến, nhân dân các dân tộc Vân Kiều ở Hướng Hóa đã tham gia vào nghĩa quân của Trần Qúy Khoáng (1409), nghĩa quân Lam Sơn (1418) chống lại quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc). Đến năm 1425, đồng bào các dân tộc ven dãy Trường Sơn trong đó có đồng bào Hướng Linh đã ủng bộ nghĩa quân Lam Sơn vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt, chính thức công nhận nền đô hộ của thực dân Pháp lên đất nước ta. Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến. Sau khi hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp ra sức vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân lực; chúng cấu kết với phong kiến Nam triều tìm mọi cách đặt ách áp bức, đô hộ đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh nhất ở Việt Nam. Người dân Hướng Linh tuy chưa phải chịu cảnh đàn áp trực tiếp của thực dân phong kiến nhưng cũng không có một chút quyền tự do dân chủ nào. Sau “Vụ biến kinh thành Huế” thất bại, năm 1885, vua Hàm Nghị ra Tân Sở (Cùa - Cam Lộ), khi căn cứ Tân Sở bị giặc Pháp phá hủy, vua Hàm Nghị trên đường vượt qua Mai Lĩnh lên Lao Bảo ra Hương Khê (Hà Tĩnh), đồng bào các dân tộc ở Hướng Hóa, trong đó có đồng bào Vân Kiều ở Hướng Linh quyên góp lương thực, thực phẩm để giúp đỡ đoàn hộ tống vua Hàm Nghi.

Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất ở trình độ rất thấp, đời sống của đồng bào dân tộc vô cùng khổ cực. Nhân dân ở đây thường xuyên đói cơm, đói muối, áo quần không có để mặc, nhiều nhà phải lấy vỏ cây hoặc da thú quấn vào người để che mưa và đỡ rét. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước chống đế quốc xâm lược, cường quyền áp bức đã khơi dậy lòng yêu nước trong đồng bào, làm cho các tầng lớp nhân dân ở đây thấy được địa vị chính trị, xã hội của mình, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cách mạng. Dưới ngọn cờ hiệu triệu của Đảng, nhiều thanh niên, trai tráng trên địa bàn Hướng Linh sớm trở thành những quần chúng tích cực của Đảng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chính quyền cách mạng được thành lập ở xã Hướng Linh. Cũng như đồng bào các dân tộc ở các địa phương trên địa bàn Hướng Hóa, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Hướng Linh vui mừng, phấn khởi trước sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước. Đồng bào nô nức tham gia cuộc mít tinh, mang cờ, băng rôn, biểu ngữ và ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi khắp các bản làng. Tiếng hô khẩu hiệu “Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” vang vọng khắp núi rừng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hướng Linh không ngại khó khăn gian khổ, một lòng đi theo Đảng, cách mạng và Bác Hồ, hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của cả dân tộc.

Theo chủ trương của Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa lần thứ II, một số đồng chí cán bộ huyện được cử về tăng cường cho xã Hướng Linh. Khoảng nửa cuối năm 1950, các đồng chí Nhu, Xuân, Giáp, Đức (Tân) (cán bộ huyện tăng cường) và đồng chí Hồ Văn Chay đã thành lập Chi bộ Hướng Linh. Đồng chí Hồ Văn Chay được cử làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Hướng Linh ra đời trong tình hình huyện Hướng Hóa cũng như toàn tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tổng phản công đã kịp thời lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân Hướng Linh khẩn trương bước vào thời kỳ cách mạng mới. Như vậy trong năm 1950, chi bộ xã Hướng Linh ra đời, Tại hội thảo Lịch sử đảng bộ đã thống nhất lấy ngày 03/02/1950 là ngày truyền thống của Đảng bộ xã Hướng Linh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), với vị trí chiến lược quan trọng, Hướng Linh là một trong những trọng tâm đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Dù phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn cộng với chất độc da cam hủy diệt của đế quốc Mỹ nhưng đồng bào Hướng Linh vẫn bền chí theo Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Từ năm 1967, do hoàn cảnh chiến tranh diễn ra khốc liệt, chấp hành chủ trương của Huyện ủy Bắc Hướng Hóa, cán bộ, đảng viên và đồng bào các thôn bản của xã Hướng Linh phải rời quê hương để sơ tán đến các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng và nước bạn Lào anh em, vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong đội hình các xã vùng sơ tán. Đồng bào Hướng Linh tích cực lao động sản xuất, đóng góp một phần lương thực, thực phẩm cho kháng chiến; vừa tham gia tiếp lương, tải đạn, đi dân công hỏa tuyến, san lập hố bom đạn, mở đường phục vụ Chiến dịch Khe Sanh - Tà Cơn năm 1968 giành thắng lợi dòn giã, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa. Sau ngày huyện Hướng Hóa hoàn toàn giải phóng (năm 1968), nhân dân xã Hướng Linh lúc này đang phải ly hương, sống rãi rác ở các xã vùng sơ tán Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Phùng nhưng đã cùng với nhân dân các xã hòa chung trong niềm vui chiến thắng. Đồng bào Hướng Linh hăng hái lao động sản xuất, cung cấp lương thưc, thực phẩm, tham gia dân quân tiếp lương, tải đạn cho Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và Cuộc tiến công chiến lược năm 1972, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Năm 1973, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Hướng Hóa, đồng bào Hướng Linh được tổ chức trở về quê hương làm ăn sinh sống. Về quê hương với tài sản chỉ là “đôi quang gánh trên vai”, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, chính quyền xã, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Hướng Linh đã khắc phục khó khăn, tích cực thu gom bom mìn, khai phá đất đai, tăng gia sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống, từng bước tái thiết, xây dựng lại quê hương từ đống tro tàn.

 Hơn 50 năm sau ngày huyện Hướng Hóa được giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên quê hương xã Hướng Linh đã đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, đồng sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đưa xã nhà ngày càng phát triển.

Đồng chí Nguyễn Phú Sơn – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã tặng sách cho lãnh đạo huyện tại buổi Lễ ra mắt lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh.

Trong quá trình tổ chức biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh 1930 - 2020 còn có một số khó khăn như do công tác lưu trữ tài liệu chưa thực sự tốt, nhất là tư liệu thành văn nên cuốn sách khó tránh khỏi hạn chế, thiếu sót. Tiến độ biên soạn còn chậm so với kế hoạch của Đảng uỷ đề ra; công tác tổng hợp, lưu trữ tư liệu phục vụ công tác biên soạn còn nhiều hạn chế thiếu tính cụ thể, thiếu chính xác do vậy phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần; một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực phối hợp với Ban biên soạn trong việc cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ cho việc biên soạn, còn phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. Tuy đã hoàn thành xuất bản nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ xã rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong và ngoài xã để lần tái bản, chỉnh lý, bổ sung đầy đủ hơn.

Cuốn lịch sử là kho tư liệu quý, ghi lại trung thực những chặng đường lịch sử khó khăn, gian khổ, nhưng cũng đầy oanh liệt, vẻ vang, góp phần giúp đảng viên và Nhân dân hiểu rõ các giá trị truyền thống, rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm  nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cuốn sách có ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ và Nhân dân xã; giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ nhận thức lịch sử đúng đắn sẽ biến thành hành động cách mạng, phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương Hướng Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhằm phát huy hơn nữa giá trị của ấn phẩm lịch sử, thay mặt Đảng ủy, tôi đề nghị các Chi bộ trực thuộc có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng bằng các hoạt động thiết thực, đặc biệt, các chi bộ trường học chỉ đạo lồng ghép đưa một số nội dung của lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã vào các hoạt động phù hợp như ngoại khóa, các cuộc thi... để giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ học sinh. Và xuất phát từ nhu cầu cần tìm hiểu sự hình thành và phát triển về mảnh đất và con người xã Hướng Linh, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, tôi đề nghị cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực nghiên cứu, học tập để rút ra những bài học bổ ích từ đó kế thừa và phát huy tinh thần cách mạng của ông cha trong công tác và lao động, sản xuất. Đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngoài địa phương có nhu cầu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, mảnh đất, con người xã Hướng Linh phục vụ cho công tác, học tập .v.v... Đảng bộ, chính quyền luôn sẵn sàng cung cấp tài liệu, tạo điều kiện và giúp đỡ tận tình để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhân dịp cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh (1930 - 2015) phát hành, Ban Chấp hành Đảng bộ xã xin trân trọng cảm ơn Ban Thường vụ Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, các cơ quan, đoàn thể, các đồng chí cán bộ chủ chốt và nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã đã hỗ trợ công tác biên soạn. Cám ơn các đơn vị SCI, Glex, Hướng Hiệp 1, Hướng Linh 7,8... chi bộ Xa Bai, Chi bộ Trường Mần non Hướng Linh đã hỗ trợ công tác xuất bản  đã tích cực đóng góp ý kiến và giúp đỡ về nhiều mặt để cuốn sách được hoàn thành.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ công bố phát hành lịch sử Đảng bộ xã Hướng Linh

 

Các tin khác
  • pageHolder.getStart() - 0
  • pageHolder.getNumberObjects() - 6
  • numberArticle - 6
  • numberRelation - 0
Lịch làm việc
Thông báo mới
Giấy mời